Cuộc “đổ bộ” của những thương hiệu lớn
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, thời điểm năm 2004 đã có 415 tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) đăng ký đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 106 TNC thuộc top 500 TNC lớn nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí Fortune. Tình hình đầu tư của các TNC tại Việt Nam hiện nay tiếp tục tăng trưởng vượt bậc. Tính đến năm 2013, Việt Nam thu hút được 15.932 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 234 tỉ USD và vốn thực hiện trên 112 tỉ USD, trong đó có khoảng 500 dự án của các TNC với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 140 tỉ USD, tập trung vào đầu tư R&D (nghiên cứu, phát triển), công nghệ, kiểm duyệt chất lượng sản phẩm…
Sau khi tiến hành một cuộc khảo sát, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải khẳng định sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam đang tăng lên và Việt Nam đang trở thành địa chỉ ưu tiên ở châu Á trong lựa chọn của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Minh chứng là thị trường Việt Nam đã có sự hiện diện, đồng hành và phát triển mạnh mẽ của các tên tuổi lớn như Samsung, Intel, Nokia, Honda, Canon...
Mới đây nhất, Ariston - thương hiệu máy nước nóng dẫn đầu ngành hàng đã quyết định đầu tư vào Việt Nam một nhà máy có quy mô lớn thứ hai châu Á, cũng nằm trong xu thế chung nói trên.
Việt Nam có nhà máy lớn thứ hai của Ariston ở châu Á
Lý giải làn sóng TNC của các doanh nghiệp lớn vào Việt Nam, ông Stefano Cartoni, Giám đốc thương mại Ariston Thermo khu vực châu Á Thái Bình Dương kiêm Tổng giám đốc Ariston Thermo Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng với dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng hằng năm luôn ở mức gần hai con số, người Việt Nam ham học hỏi, chăm chỉ và tiếp thu nhanh các công nghệ mới. Một thị trường với nhiều lợi thế về môi trường đầu tư, nhân công, vị trí địa lý, nguyên vật liệu như Việt Nam luôn là lựa chọn lý tưởng cho bất kỳ doanh nghiệp đầu tư nào. Ariston Thermo cũng không là ngoại lệ”.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1988, có thể nói Ariston là một trong những thương hiệu lớn tiếp tục khẳng định vị thế và đạt được nhiều thành công lớn tại quốc gia có đến 90 triệu dân này. Trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang suy thoái và chưa có tín hiệu phục hồi, xu hướng chung của các doanh nghiệp là thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công để tiết giảm chi phí nhưng dường như suy thoái kinh tế vẫn không thể cản bước “người khổng lồ” Ariston. Với việc chuẩn bị khánh thành nhà máy lớn thứ hai châu Á trong tháng 4 này, Tập đoàn Ariston Thermo tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu ngành hàng máy nước nóng.
Nhà máy được trang bị những dây chuyền sản xuất hiện đại từ Ý, công suất 1 triệu sản phẩm mỗi năm. Đây là nhà máy thứ 20 của Tập đoàn Ariston Thermo trên toàn thế giới, với những ưu thế về công nghệ tiên tiến, giúp rút ngắn thời gian phát triển và đưa sản phẩm ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với thiết bị nhiệt gia dụng tại Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề “Việt Nam và cuộc chơi lớn của các tập đoàn đa quốc gia” vừa được Báo Diễn đàn đầu tư - BizLIVE tổ chức tại Hà Nội, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từng nhận định rằng sự hiện diện của các thương hiệu lớn đã tạo cơ hội cho người tiêu dùng được hưởng thụ những sản phẩm có chất lượng cao.
Khi nói về việc khởi công nhà máy mới tại Việt Nam, ông Paolo Merloni, Chủ tịch Tập đoàn Ariston Thermo chia sẻ: “Nhà máy mới là minh chứng rõ nét cho chiến lược phát triển toàn cầu của chúng tôi thông qua sự hiện diện mạnh mẽ của tập đoàn trên toàn thế giới cùng với việc xây dựng nền móng vững chắc tại từng quốc gia, giúp chúng tôi đến gần hơn với khách hàng của mình. Nhà máy mới góp phần vào việc nâng cao công suất tại khu vực Đông Nam Á - một khu vực đang phát triển mạnh mẽ mà trong đó, Việt Nam là trọng tâm trong chiến lược phát triển của chúng tôi”.
Ý Nguyên