Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Yasuzumi Hirotaka cho biết:
- Kết quả điều tra cho thấy có hơn 70% doanh nghiệp Nhật đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất. Lý do chính là có sự tăng trưởng trong doanh thu đối với khối sản xuất, còn trong lĩnh vực dịch vụ tiềm năng của thị trường đang là rất lớn. Quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng thì 54,9% tổng số các doanh nghiệp trong gần 5000 doanh nghiệp của Nhật đang hoạt động ở 20 quốc gia trên thế giới trả lời rằng đó là ưu thế tại nơi họ đang đầu tư, con số này ở Việt Nam là 52,3%. Điều này chứng tỏ họ đang làm ăn tốt tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có hơn một nửa số doanh nghiệp nói đầu tư vào Việt Nam còn nhiều rủi ro, tỉ lệ này tăng so với năm ngoái. Mặt khác, môi trường đầu tư tại Việt Nam trong năm 2013 suy giảm hơn năm trước. Nổi cộm nhất là thủ tục hải quan phức tạp (tăng 16%) lên 64,5% doanh nghiệp trả lời “có vấn đề” trong lĩnh vực hải quan. Thủ tục hành chính rất nhiêu khê, tốn nhiều thời gian xin cấp phép đầu tư ... Nhưng đó chưa phải là trở ngại lớn nhất, vấn đề cốt lõi mà các doanh nghiệp Nhật nói với chúng tôi là rất khó tìm nguyên vật liệu tại thị trường Việt Nam nên không thể cắt giảm chi phí.
* Cụ thể, họ phản ảnh điều gì ở đây, thưa ông?
- Nhiều doanh nghiệp Nhật đang rất khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nội địa tại Việt Nam. Chi phí nhân công thì theo xu thế phát triển chỉ có tăng lên nên không thể cắt giảm từ nguồn này được, chỉ còn giảm được chi phí nguyên liệu trong giá thành sản xuất. Tuy nhiên tỉ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam quá thấp. Năm 2012 là 27,9%, đến năm 2013 là 32,3% dù có tăng lên nhưng rất thấp, chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc (64%) và Thái Lan (53%).
Thoạt nhìn con số thì lớn nhưng tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào đây là rất thấp. Cụ thể, tỉ lệ cung cấp nội địa hóa từ doanh nghiệp Việt Nam cho doanh nghiệp Nhật Bản chỉ đạt 13,2% trong năm 2013. Nếu đưa số này so sánh với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan thì lại càng rất thấp. Vậy nếu các doanh nghiệp chúng tôi đến sản xuất hàng hóa ở đây mua vật liệu từ các doanh nghiệp có vốn FDI của Nhật chẳng hạn thì chi phí cũng rất cao và nếu họ cứ tiếp tục không mua được từ các doanh nghiệp Việt Nam thì không thể cắt giảm chi phí được.
* Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia nghiên cứu môi trường đầu tư của Việt Nam, theo ông, có cách nào để nâng tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam lên?
- Có thể thấy việc các doanh nghiệp phản ảnh đã phần nào báo động về sự phát triển công nghiệp phụ trợ yếu kém của Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư và làm suy giảm sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo tôi, việc hỗ trợ tạo đà cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ là rất quan trọng. Chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy điều này nhưng cần phải làm thế nào có các chính sách hỗ trợ cụ thể và có chiến lược rõ ràng. Ngoài các vấn đề cơ bản như ưu đãi về lãi suất, thuế quan và hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia lĩnh vực này còn có vấn đề rất lớn là thị trường. Cụ thể, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thì phải có thị trường tiêu thụ lớn. Hiện nay thị trường tiêu thụ nội địa của Việt Nam là rất nhỏ nên Việt Nam cần nắm bắt các xu hướng như Thái Lan + 1 của các doanh nghiệp Nhật đang ở Thái Lan do tiền nhân công ở Thái Lan đang tăng cao nên các doanh nghiệp này đang tìm đến các nguồn cung cấp khác nhằm giảm chi phí.
* Ông có thể phân tích thêm về xu hướng dịch chuyển vốn từ Trung Quốc, Thái Lan vào Việt Nam trong thời gian tới?
- Xu hướng đấy chúng tôi gọi là Trung Quốc + 1, xuất phát từ việc các doanh nghiệp Nhật muốn giảm bớt rủi ro tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Nhật tìm một nước khác để đầu tư vào. Trong thời gian tới nếu Trung Quốc không tham gia TPP thì không chỉ doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc mà chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ tính đến bài này. Không phải triệt thoái hoàn toàn các đầu tư đã có ở Trung Quốc mà họ sẽ tìm cách đa dạng hóa bằng mở nhà máy sản xuất tại các nước khác mà Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Còn về chiến lược Thái Lan + 1 thì như tôi đã nói, các doanh nghiệp Nhật ở Thái Lan đang tìm các nguồn khác bên cạnh Thái Lan, đây là xu hướng rất mới và chỉ mới là giai đoạn bắt đầu nên còn rất nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chúng tôi đã bắt đầu thí nghiệm việc này ở các thị trường như Campuchia, Lào... Tôi nghĩ Việt Nam muốn nắm bắt xu thế này cần thể hiện ra những ưu thế thu hút đầu tư của mình. Đặc biệt là khu vực Miền Nam của Việt Nam do có hành lang Nam Bộ nối liền với Thái Lan nếu đi đường bộ hay đường biển chỉ mất ba ngày. Nếu Miền Nam Việt Nam mà tham gia được vào chuỗi cung ứng của Thái Lan thì tôi nghĩ rất có tiềm năng.
ĐÌNH DÂN thực hiện