1. Tình hình hoạt động:
Vốn thực hiện:
Trong 11 tháng đầu năm 2011, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,05 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2010.
Tình hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu khí) trong 11 tháng đầu năm 2011 dự kiến đạt 49,35 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 56,6% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN tính đến tháng 11 năm 2011 đạt 43,49 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 45,27% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 11 tháng, khu vực ĐTNN xuất siêu 5,8 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 8,9 tỷ USD.
2. Tình hình cấp GCNĐT:
Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2011 cả nước có 919 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 9,91 tỷ USD, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2010. Đến 20 tháng 11 năm 2011, có 324 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 2,78 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2010.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 11 tháng đầu năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 12,69 tỷ USD, bằng 84% so với cùng kỳ 2010.
Theo lĩnh vực đầu tư:
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 382 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,24 tỷ USD, chiếm 49,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,53 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 119 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 1,19 tỷ USD, chiếm 9,4%. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 464,13 triệu USD, chiếm 3,7%.
Theo đối tác đầu tư:
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,09 tỷ USD, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,12 tỷ USD, chiếm 16,7 % tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,58 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,16 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ 5 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 657 triệu USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư vào ViệtNam.
Theo địa bàn đầu tư:
Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Dương là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 2,56 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 20,1% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,15 tỷ USD, chiếm gần 17%. Hà Nội đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,095 tỷ USD. Tiếp theo là Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Hải Phòng với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 912,8 triệu USD; 830,8 triệu USD và 806,7 triệu USD.
Xét theo vùng thì Đồng bằng sông Hồng là vùng thu hút được nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt trên 5,33 tỷ, chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng Đông Nam Bộ với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 5,2 tỷ USD, chiếm 41% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Nguyên là vùng thu hút được ít FDI nhất, chỉ chiếm 0,1% tổng vốn đăng ký.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 11 tháng đầu năm 2011 là: Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương (nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,26 tỷ USD; dự án Công ty TNHH sản xuất First Solar Việt nam, thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo do Singapore đầu tư tại TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD; dự án Công ty TNHH lốp xe Việt Luân với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lốp xe do Trung Quốc đầu tư, dự án Công ty TNHH Kính chuyên biệt NSG do Pilkington Group Ltd (PGL) – Vương Quốc Anh liên doanh với Việt Nam, tổng vốn đầu tư 323,01 triệu USD với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ thuỷ tinh tại Bà Rịa- Vũng Tàu.